Bài viết này phân tích phương pháp kiểm định tín hiệu “Giao dịch nội bộ” theo cách tiếp cận của Tiến sĩ Alexander Elder, một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giao dịch tài chính. Phương pháp của Elder giúp nhận diện các cơ hội giao dịch tiềm năng dựa trên các dấu hiệu nội bộ và kỹ thuật chuyên sâu. Bài viết cũng thảo luận về cách áp dụng phương pháp này vào thực tế để tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong giao dịch.
Trong giao dịch chứng khoán, một trong những đặc tính nổi bật của thị trường là sự bất cân xứng về thông tin. Nhà đầu tư (NĐT) đại chúng bên ngoài có thể tìm hiểu về một doanh nghiệp qua nhiều kênh (VD: website, BCTC, ĐHĐCĐ,…). Dù vậy, chất lượng thông tin mà họ tiếp cận được thường hạn chế hơn so với cổ đông nội bộ trong công ty (các cá nhân, tổ chức là người nội bộ, người liên quan của người nội bộ, cổ đông lớn, trong bài phân tích sẽ gọi tắt là cổ đông/người nội bộ).
Nhóm cổ đông này thường nắm rõ hoạt động công ty, họ biết được công ty đang hoạt động kinh doanh như thế nào, các dự án được triển khai ra sao, việc họ mua bán cổ phiếu của công ty có thể đem đến tín hiệu về kết quả kinh doanh, hoặc tác động trực tiếp đến diễn biến giá cổ phiếu giai đoạn tiếp theo.
Vì vậy, việc theo dõi giao dịch của người nội bộ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho NĐT. Nhận định này cũng được tiến sỹ Alexander Elder đề cập trong cuốn sách The New Trading for a Living của mình (phần 6, nhóm những chỉ số đồng thuận và cam kết – Consensus and Commitment Indicators).
Cụ thể, ông cho rằng người nội bộ với lợi thế về thông tin sẽ có xu hướng mua khi cổ phiếu “rẻ” và bán khi cổ phiếu “đắt”, hay nói cách khác họ sẽ mua khi thị trường giảm mạnh và tăng dần lực bán khi thị trường hồi phục. Việc 1 cá nhân hoặc tổ chức nội bộ đơn lẻ mua/bán cổ phiếu thường không hàm ý một tín hiệu cụ thể, có thể chỉ đơn giản là do phục vụ mục đích cá nhân nào đó. Tuy nhiên, nếu có nhiều hơn 3 người nội bộ cùng đăng ký mua/bán cổ phiếu trong một tháng, việc theo dõi giao dịch người nội bộ sẽ có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều. Cổ phiếu thường sẽ tăng nếu có hơn 3 người nội bộ cùng mua 1 tháng và giảm nếu có hơn 3 người nội bộ cùng bán 1 tháng. Nhiều người nội bộ cùng mua sẽ có ý nghĩa hơn so với việc họ cùng bán, do họ có thể bán vì nhiều mục đích…, nhưng gần như chỉ mua cổ phiếu vì 1 lý do duy nhất: họ kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng giá.
Việc theo dõi một tín hiệu đơn giản và dễ tiếp cận như tín hiệu này tương đối hấp dẫn, do đây là những thông tin thuộc dạng bắt buộc công bố theo quy định của UBCK. Tuy nhiên, liệu những nhận định trên của tiến sỹ Alexander Elder có đúng với thị trường Việt Nam?
Chúng tôi tìm cách giải quyết câu hỏi này trong bài nghiên cứu dưới đây bằng cách sử dụng dữ liệu giao dịch của toàn bộ cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch trên 3 sàn HOSE, HNX và Upcom trong giai đoạn từ khi thành lập TTCK Việt Nam năm 2000 đến thời điểm hiện tại (tháng 09/2022). Từ đó, xác định số lượng người nội bộ đăng ký mua/bán từng tháng trong giai đoạn. Khi đánh giá cổ phiếu đó tăng giá hay giảm giá trong tháng xảy ra sự kiện, chúng tôi so sánh mức giá cao nhất và thấp nhất của cổ phiếu trong tháng: (i) nếu mức giá thấp nhất xảy ra trước mức giá cao nhất, cổ phiếu tăng giá trong tháng, (ii) nếu mức giá cao nhất xảy ra trước mức giá thấp nhất, cổ phiếu giảm giá trong tháng.
Để mô tả cụ thể, chúng tôi lấy ví dụ với mã cổ phiếu KDH (Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền). Trong tháng 7/2022, cổ phiếu này có 11 cá nhân là người nội bộ, người liên quan của người nội bộ đăng ký MUA, tổng cộng 4.97 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu này có mức giá thấp nhất 34,500 VND/cp vào ngày 06/07 và đạt mức giá cao nhất tháng 38,600 VND/cp vào ngày 29/07, do ngày đạt mức giá thấp nhất tháng xảy ra trước nên chúng tôi phân loại mức biến động của cổ phiếu trong tháng là TĂNG GIÁ.
Với dữ liệu trên, chúng tôi xác định có 1,600 cổ phiếu với ~35,700 lượt người nội bộ đăng ký giao dịch. Trong đó tổng số lần đăng ký mua/bán khá tương đồng với 17,400 lần đăng ký mua (49%) và 18,300 lần đăng ký bán (51%). Tuy nhiên, để kiểm định giả thuyết của Alexander Elder, chúng tôi chỉ thực hiện phân tích dựa trên số lượng người nội bộ đăng ký mua/bán trong một tháng thay vì số lần đăng ký mua/bán (một cổ đông có thể đăng ký mua/bán nhiều lần trong 1 tháng). Khi này, tổng số cổ đông đăng ký mua và bán giảm về lần lượt 11,800 lần (48%) và 12,600 lần (52%). Kết quả thu được thể hiện chi tiết ở bảng dưới:
Bảng dữ liệu cho thấy xác suất cổ phiếu tăng giá, bất kể khi cổ đông đăng ký mua hay bán chỉ quanh mức 50%, 50% khi đăng ký mua (~5,871/11,800) và 52% khi đăng ký bán (~6,517/12,600). Một con số không mang lại nhiều ý nghĩa. Điều này phù hợp với nhận định của tiến sỹ Elder là “việc 1 cá nhân hoặc tổ chức nội bộ đơn lẻ mua/bán cổ phiếu thường không hàm ý một tín hiệu cụ thể”.
Rõ ràng, tỷ lệ này chịu ảnh hưởng lớn bởi những tháng chỉ có 1 – 2 người nội bộ đăng ký giao dịch chiếm đến ~95% số lần cổ đông nội bộ mua/bán, chỉ hơn 5% số lần có lượng cổ đông nội bộ đăng ký mua/bán từ 3 người trở lên. Khi loại bỏ những tháng chỉ có 1 – 2 người nội bộ giao dịch, chúng tôi thu được bảng dữ liệu phía dưới:
(loại bỏ những lần chỉ có 1 – 2 cổ đông đăng ký giao dịch)
Xác suất cổ phiếu tăng giá và giảm giá bình quân lúc này đã có sự phân hóa rõ rệt hơn. Dù vậy, kết quả này lại cho thấy sự khác biệt với nhận định của Alexander Elder, cổ phiếu có xác suất cao tăng giá trong tháng, bất kể là người nội bộ đăng ký mua hay bán, thậm chí xác suất cổ phiếu tăng giá lại cao hơn khi có nhiều hơn 3 người nội bộ cùng đăng ký bán trong 1 tháng, chứ không phải khi họ cùng đăng ký mua (62% so với 56%).
Bảng trên còn cho thấy một xu hướng khá rõ rệt đó là khi càng nhiều cổ đông cùng đăng ký mua/bán trong 1 tháng thì xác suất tăng giá của cổ phiếu lại càng cao, phù hợp với nhận định của tiến sỹ Elder.
Kết luận: Bài phân tích trên cho thấy Phương pháp theo dõi giao dịch của người nội bộ theo Tiến sĩ Elder mặc dù “cảm giác” rất hợp lý về mặt lý thuyết song kết quả đưa ra lại khá trái ngược tại thị trường Việt Nam. Do đó, khi áp dụng các phương pháp được giới thiệu trong những cuốn sách về đầu tư, NĐT cần tự kiểm định lại nhằm xác định hiệu quả (backtest) trước khi áp dụng chúng, bởi mỗi thị trường chứng khoán lại có những đặc trưng riêng của nó.
Nguồn: TCBS